Bạn có biết???
TẾT NGUYÊN ĐÁN
Tết Nguyên Đán có nhiều tên gọi khác nhau: tết Cả, tết Ta, Tết Âm Lịch, tết Cổ Truyền… (Chữ “Nguyên” có nghĩa là Bắt Đầu, Chữ “Đán” có nghĩa là buổi Ban Mai, là khởi điểm của năm mới).
Tết Nguyên Đán kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày mùng Bảy tháng giêng). Tuy nhiên, Ba Mươi, Mùng một, Mùng Hai, Mùng Ba Tết vẫn là bốn ngày quan trọng nhất.
Vậy tết Nguyên Đán bắt nguồn từ đâu???
Theo truyền thuyết và lịch sử nước ta, họ Hồng Bàng dựng nước từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì cho đến năm 258 TCN. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn tết, và bánh Chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu – Con trai thứ 18 của vua Hùng Vương thứ sáu đã ra đời.
Ý nghĩa nhân văn của Tết Nguyên Đán
- Là dịp để gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm Đoàn Viên cùng gia đình. Mỗi khi tết đến, những người con xa quê đều nôn nao mong đợi đến ngày về quê để kể nhau nghe những điều đã làm được trong năm cũ và cùng nhau đón chờ giao thừa.
Nguồn: Internet
- Là dịp để làm mới mọi thứ: Quần áo mới, nhà cửa dọn dẹp lại, đồ đạc phải lau chùi và mua mới những thứ cần thiết…
- Là ngày của nhiều niềm vui, hạnh phúc; mọi muộn phiền, âu lo đều được gác lại để mọi người cùng chúc nhau những câu chúc bình an, thịnh vượng, vạn sự như ý…
Có gì ở tết xưa???
Tết này đã khác tết xưa
Ông đồ đâu thấy, pháo thừa nằm yên.
Cây nêu vắng bóng trước hiên
Chỉ mai – đào nở bên thềm tết sang.
- Cây nêu: Việt Nam ta có cả một sự tích về “Cây Nêu Ngày Tết” được truyền miệng nhau từ việc “Ngày xưa, ma quỷ và con người được chung sống trên một mảnh đất với nhau. Tuy nhiên, đến năm mất mùa đói kém lũ quỷ không tìm được thức ăn, chúng mới đi cướp bóc, phá hoại lương thực của con người. Do không thể làm gì được nên con người phải cầu cứu Đức Phật, lúc bấy giờ Phật mới đưa cho con người một chiếc áo cà sa và dặn khi nào gặp lũ quỷ phải giao ước với chúng khu vực đất được áo che phủ là của con người, khu vực ngoài cái áo là của Quỷ. Khi nghe được điều này chúng liền cười ngạo nghễ vì nghĩ rằng cái áo nhỏ vậy làm sao che đủ được một vùng đất. Cho đến khi cái áo cà sa được đưa lên thì nó che phủ cả một vùng, lũ quỷ chạy tán loạn ra biển. Nhưng do mộ của tổ tiên vẫn còn nằm ở đất liền nên Phật cho phép Quỷ có thể về thăm mộ vào dịp tết vào 3 ngày đầu năm. Vậy nên, người ta thường treo cây nêu trước nhà để cho Quỷ biết mảnh đất ấy có người ở mà không dám đến quấy phá.” Bên cạnh đó, trên cây nêu người ta còn treo đèn lồng với ý nghĩa những ngọn đèn ấy sẽ soi đường cho tổ tiên, ông bà về đón tết cùng con cháu.
- Ông đồ: Mỗi dịp tết đến ông đồ lại ngồi ngay chợ tết, trên một manh chiếu với hàng mực tàu, giấy đỏ và viết những chữ cái người khách yêu cầu. Ông đồ từ xưa đến nay được xem là một biểu tượng của người có nhân cách tốt, học cao hiểu rộng. Một vài nét chữ rồng bay phượng múa cùng trên sắc giấy đỏ, mùi mực thơm làm cho người ta có một chút hoài cổ về tết xưa. Màu đỏ được người ta quan niệm rằng đó là màu của may mắn, bên cạnh việc xin chữ từ ông đồ được hiểu là người ta đang xin cái tài năng, đức độ và kiên nhẫn của ông khi rèn chữ để nhắc nhở bản thân mình.
- Pháo tết: Ngày xưa, người ta quan niệm tiếng Pháo sẽ giúp cho việc xua đuổi tà ma và mong muốn một năm làm ăn thuận lợi, suôn sẻ. Những quả pháo nhỏ được nối với nhau bởi một sợi dây được gọi là dây tim, khi châm lửa ở đầu dây sẽ kích cho quả pháo nổ. Cứ đêm giao thừa mỗi gia đình lại treo pháo đỏ trước nhà và châm cho pháo nổ, nhờ vậy mà không khí của ngày xưa dù không được đầy đủ nhưng cũng khiến mọi người háo hức ngóng chờ. Ngày nay, do việc chế tạo pháo không còn đơn giản như trước nên việc đốt pháo cũng gây nguy hiểm hơn cho người sử dụng nên từ năm 1994, nhà nước đã ra lệnh cấm sử dụng pháo trong dịp tết. Thay vào đó, họ sẽ tập trung bắn pháo hoa một khu vực nhất định trong tỉnh/thành phố đã được bảo đảm an toàn cho người dân vào đêm giao thừa. Do đó, các vùng quê ngày nay vào đêm giao thừa cũng im ắng đi nhiều nhưng pháo ắt hẳn vẫn là một ký ức đẹp trong lòng của mỗi thế hệ 7x, 8x ngày trước.
Những phong tục đặc trưng của Tết Nguyên Đán
- Dọn dẹp nhà cửa: Bắt đầu từ 25 tết, sau Buổi cơm cúng đưa ông bà, anh chị em trong gia đình đã cùng nhau dọn dẹp bàn thờ, lau chùi và trang trí mới cho bàn thờ gia tiên. Bố thì chăm những cây kiểng để hoa có thể trổ bông kịp tết, mẹ lại lo mua sắm thêm vài món đồ mới cho gia đình.
- Chuẩn bị thực phẩm ăn tết: Trong đó quan trọng nhất là bánh Trưng (đối với những gia đình ở ngoài Bắc), bánh Tét (đối với những gia đình ở Nam). Việc gói bánh của những thành viên lớn, những bạn trẻ lại hào hứng với việc đi canh lửa nồi bánh để được sưởi ấm giữa mùa gió tết và ngồi nói chuyện cùng nhau. Ngoài ra, trong những ngày tết cổ truyền người người, nhà nhà thường có nồi canh khổ qua, nồi thịt kho tàu, hủ dưa kiệu,… Ngày nay, một số gia đình đã thay đổi thực đơn ngày tết nhưng cứ hễ nhắc đến món ăn ngày tết họ lại nghĩ ngay đến những món ăn truyền thống ấy.
- Biếu quà cuối năm: Tết là dịp để mọi người bày tỏ lòng hiếu kính với những bậc bề trên như Con cháu mua quà tặng ông bà, cha mẹ hoặc biếu cho thầy cô, cấp trên.
- Đi chợ tết: Thường thì những ngày đầu năm, các tiểu thương ở chợ sẽ không buôn bán, kinh doanh để có thể đón xuân cùng gia đình nên các bà, các mẹ thường chọn ngày 29 tết hoặc 30 tết để có thể tranh thủ đi chợ mua thực phẩm dự trữ cho gia đình và chiêu đãi khách khi đến chúc tết. Ngoài ra, họ thường chọn mua thêm vài cây cảnh như cúc vàng, mai, đào,… để trang trí trước nhà cầu may mắn trong năm mới.
- Xin lộc: Đầu năm, mọi người thường đi đến chùa để cầu cho gia đình được bình an, công việc thuận lợi và nhiều sức khỏe. Và người ta thường hái lộc ở nơi đây mang về nhà với hy vọng năm mới nhiều tài, nhiều lộc đến nhà.
- Xông nhà (xông đất): Sáng mùng Một mọi người thường đến nhà nhau để chúc tết, người khách đầu tiên đến nhà được xem là người xông nhà. Do vậy, thường các gia đình sẽ ưu tiên chọn những người hợp tuổi với gia chủ, nhanh nhẹn, vui vẻ để có thể mang đến nhiều may mắn.
- Chúc tết: Tết đến cầu chúc cho nhau những điều bình an, hạnh phúc đã trở thành một điều không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta.
- Mừng tuổi: Người lớn thường có tục mừng tuổi (Lì xì) để chúc cho các bạn nhỏ được ăn mau chóng lớn, học giỏi; còn những người nhỏ thì mừng tuổi cho những người lớn để chúc họ nhiều tuổi thọ, sức khỏe và công việc làm ăn thuận lợi.