Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Vĩnh Long có hai mùa rõ rệt là mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) và mùa mưa (thời gian còn lại). Nhiệt độ trung bình là 27 độ C, với thời điểm nhiệt độ cao nhất khoảng 36 độ.
Vĩnh Long là một trong những tỉnh có diện tích vườn cây ăn trái lớn ở miền Tây. Ngoài ra, tại đây có khoảng 20 dân tộc cùng sinh sống với nhiều tôn giáo khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa, ẩm thực và lối sống. Tỉnh cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa.
Di chuyển
Vĩnh Long cách TP HCM khoảng 100 km và cách Cần Thơ 30 km nên du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện khác nhau để di chuyển như máy bay, ôtô, xe khách, xe máy, tùy điểm xuất phát.
Xe khách khởi hành từ bến xe miền Tây (TP HCM) về Vĩnh Long có các hãng Phương Trang, Trí Nhân, Hòa Hiệp, Nguyen An với giá vé từ 180.000 đồng đến 280.000 đồng, thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng. Có xe giường nằm và xe limousine. Từ Cần Thơ có xe buýt với giá vé khoảng 20.000 đồng một chiều, tần suất 30 phút mỗi chuyến.
Taxi từ Cần Thơ tới Vĩnh Long có giá 250.000 đến 300.000 đồng một chuyến.
Vĩnh Long không có sân bay nhưng rất gần sân bay Cần Thơ nên du khách từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc có thể di chuyển bằng đường hàng không tới sân bay Cần Thơ. Hiện các hãng Vietnam Airline, Vietjet Air đều khai thác các đường bay tới Cần Thơ. Giá vé khứ hồi từ Hà Nội tới Cần Thơ dao động từ 2,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng, giá vé từ Đà Nẵng tới Cần Thơ dao động từ 2 đến 3,5 triệu đồng.
Với việc di chuyển bằng xe khách hoặc phương tiện cá nhân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận (1 và 2), cầu dây văng và cầu bắc qua sông Mekong đầu tiên ở Việt Nam.
Lưu trú
Khách sạn ở Vĩnh Long chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố, đa dạng loại phòng, từ nhà nghỉ, homestay đến các khách sạn 2-3 sao.
Các khách sạn Sài Gòn Vĩnh Long, Cửu Long, Vinh Sang, Phước Thành là những cơ sở lưu trú được đánh giá cao, giá phòng dao động từ 400.000 đồng đến 1,1 triệu đồng một đêm, tùy loại.
Vĩnh Long cũng có nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú dạng homestay như Út Trinh, Mekong River, Thúy An, Phương Thảo, Út Thủy, Ngọc Phượng, Năm Thành, Bảy Trung, Hai Đào với mức giá từ 350.000 đồng mỗi đêm.
Chơi đâu
Từ trung tâm thành phố, trong bán kính khoảng 40 km, Vĩnh Long có nhiều điểm vui chơi. Nếu chỉ đến Vĩnh Long mà không kết hợp các tỉnh thành khác, du khách có thể chọn hành trình 3 ngày 2 đêm để khám phá các điểm đến tiêu biểu nhất.
Các khu du lịch sinh thái
Với lợi thế của vùng đất trù phú, hệ thống sông ngòi và kênh rạch, Vĩnh Long có nhiều khu du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái đặc sắc. Các địa điểm này là nơi du khách có thể ngắm trọn vẹn khung cảnh vùng sông nước cũng như trải nghiệm những hoạt động giải trí.
Khu du lịch sinh thái Vinh Sang
Khu du lịch Vinh Sang (cách trung tâm thành phố khoảng 15 km) còn gọi là trang trại Vinh Sang, có cảnh quan xanh giống những trang trại trồng cây ăn trái. Vinh Sang nằm bên sông Cổ Chiên, được chia thành từng khu vực vui chơi riêng biệt, trong đó nổi bật nhất là khu động vật quý hiếm và khu trò chơi dân gian. Ngoài ra, Vinh Sang còn có những trải nghiệm đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ như ngồi thuyền vào các kênh rạch nhỏ, tham quan những miệt vườn ven sông, làm kẹo dừa, nấu rượu nếp truyền thống, thăm vườn chim. Giá tour một người dao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Khu du lịch Trường Huy
Nằm ngay QL 1A, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 5 km về hướng thành phố Vĩnh Long, khu du lịch Trường Huy có tổng diện tích 10 ha, là điểm vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách sẽ đắm mình vào không gian tươi mát của miệt vườn miền Tây và tham gia các trò chơi như chèo xuồng, chèo kayak, đạp xe thăng bằng qua cầu treo, đi cầu khỉ, tát mương bắt cá. Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé qua khu ẩm thực chuyên nấu những món đặc sản đậm chất miền Tây để thưởng thức.
Khu sinh thái Nhà Xưa
Khu sinh thái Nhà Xưa (huyện Long Hồ) được xây dựng theo kiến trúc nhà ba gian ở miền Tây Nam Bộ xưa. Bao quanh ngôi nhà là những vườn quả và cây xanh tạo nên không gian thoáng đãng, xanh mát. Kiến trúc ngôi nhà cổ và cảnh quan xung quanh còn là bức nền để mọi người tự do ghi lại những bức ảnh. Ngôi nhà nhuốm màu thời gian, làm gợi nhớ về những hồi ức và kỷ niệm thuở xưa. Vì thế, ngay cả những người ít am hiểu nghệ thuật cũng phải ấn tượng trước vẻ đẹp của một trong những ngôi nhà xưa nhất Vĩnh Long.
Khu du lịch Hoàng Hảo
Khu du lịch Hoàng Hảo mang đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nằm trên khuôn viên khoảng hơn 70 ha với ruộng đồng, hồ sen và nhiều tiểu cảnh. Bên cạnh không gian xanh mát, nơi đây còn đem đến những trò chơi dân gian như tát mương bắt cá, đi cầu khỉ, thi bơi xuồng, chạy xe qua cầu ván. Ngoài ra, tại đây còn dành riêng một khu đất trống phủ kín những trảng cỏ xanh để cắm trại và tổ chức các hoạt động dã ngoại ngoài trời.
Nhà dừa Cocohome
Ngôi nhà được gia đình ông Dương Văn Thưởng và bà Nguyễn Ngọc Giác (ông bà Tám) lên ý tưởng và xây dựng từ năm 2009 với hơn 4.000 cây dừa. Ngoại trừ mái ngói, từng chi tiết như bao lam, kèo, cột, vách che, nội thất đều làm từ gỗ dừa. Để tăng tuổi thọ, ông Thưởng cho biết những cây dừa khi mua về sẽ được ngâm nước khoảng một năm, lột bỏ vỏ, sau đó xử lý chống mối mọt. Quần thể nhà dừa tạo nên không gian sống độc đáo, gần gũi, gắn với thiên nhiên. Cocohome không chỉ là nơi ở, sinh hoạt, thờ tự mà còn là nơi gia chủ muốn giới thiệu đến mọi người giá trị của cây dừa.
Chùa Phước Hậu
Chùa Phước Hậu (huyện Tam Bình) là điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua ở Vĩnh Long. Đây là ngôi cổ tự nổi tiếng, trừ chánh điện xây mới năm 1962 theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông – Tây, các phần khác như trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp đều có từ năm 1894.
Vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh, khắc 423 bài kinh trên hai mặt. Các phiến đá được sắp xếp bố cục mô phỏng lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo. Trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng. Khuôn viên chùa rộng rãi với nhiều cây cổ thụ, tạo cảm giác uy thiêng pha lẫn nét thanh tịnh của chốn tu hành. Nằm cạnh sông Trà Ôn nên du khách sẽ luôn cảm nhận bầu không khí nhẹ nhàng, thư thái khi đến chùa.
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7 km. Tại bảo tháp của chùa có thờ ba viên xá lợi Phật được Đại đức Narada Maha Thera (người Sri Lanka) thỉnh từ Nepal và Ấn Độ về năm 1970. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được ví như một thị trấn cổ thu nhỏ vì kiến trúc đậm bản sắc văn hóa Phật giáo người Việt. Theo chia sẻ của sư trụ trì, điều đặc biệt của ngôi chùa là hai cột đá rồng lớn ở cổng Tam Quan được đúc bằng đá granite nguyên khối cao 9 m, ngang 1,5 m, nặng khoảng 20 tấn, hiếm có ở miền Tây.
Bảo tàng Vĩnh Long
Bảo tàng tọa lạc tại trung tâm thành phố Vĩnh Long, trước mặt là bến tàu du lịch trên dòng sông Cổ Chiên, bên kia sông là cù lao An Bình với những vườn cây ăn trái trĩu quả. Trong khuôn viên bảo tàng có nhiều cây cổ thụ đã được công nhận “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” hòa quyện với những khu nhà trưng bày tạo nên một tổng thể không gian cổ kính, thoáng mở, rợp bóng mát. Bảo tàng từ lâu đã trở thành nơi vui chơi, sinh hoạt của cộng đồng, là điểm thu hút công chúng đến nghiên cứu, học tập, tham quan, du lịch.
Nhà gốm Tư Buôi
Bên trong nhà Nhà gốm Tư Buôi, hoạ tiết gỗ được trạm khắc xà cừ
Vĩnh Long nổi tiếng với làng nghề gốm truyền thống vì thế hãy dành thời gian để khám phá nghề gốm và tham quan những căn nhà được xây từ gốm, trong đó nổi bật là nhà gốm Tư Buôi (phường 5, thành phố Vĩnh Long). Ngôi nhà sở hữu mô hình lạ mắt ở khu vực miền Tây. Chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Buôi, một nghệ nhân kinh nghiệm có thâm niên hơn 30 năm trong ngành. Với sắc đỏ tự nhiên của gốm cộng với kiến trúc ngôi nhà ba gian đặc trưng của người dân Nam Bộ.
Làng gạch gốm Mang Thít
Vương quốc lò gạch nằm yên bình bên bờ sông
Làng nghề gạch gốm Mang Thít nằm bên dòng sông Cổ Chiên và Kinh Thầy Cai có từ nhiều đời nay. Làng nghề trước đây được ví như một “Vương quốc lò gạch”. Nghề sản xuất gạch gốm nơi đây không chỉ đem lại nguồn thu nhập lớn cho các cơ sở lò gạch mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Mang Thít nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trải qua bao thăng trầm, nay vương quốc ấy dần hình thành “Di sản đương đại Mang Thít”, trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Khu lưu niệm cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) có diện tích 1,7 ha, gồm nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn. Đây là công trình văn hóa với không gian mở, gần gũi, thể hiện sự thành kính và là nơi vui chơi, giải trí của người địa phương. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện quá trình hoạt động cách mạng của cố thủ tướng. Đặc biệt nhất là bức chân dung cố thủ tướng với nụ cười rạng ngời trên nền 15.000 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nơi này mở cửa từ 7h30 đến 17h.
Chợ nổi Trà Ôn
Hoà mình vào cảnh buôn bán tấp nập của người dân Thương hồ
Cùng với Cái Bè, Cái Răng, Cà Mau, Ngã Bảy, chợ nổi Trà Ôn, cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 40 km, là một nét văn hóa truyền thống của miền Tây, thu hút đông đảo người dân trong nước cũng như quốc tế. Cái Ôn đã tồn tại hơn một thế kỷ và đến nay vẫn còn giữ nhiều nét đẹp văn hóa giao thương độc đáo của bà con vùng Cửu Long. Khu chợ họp trên đoạn sông 300 m, sôi động nhất vào mỗi dịp lễ Tết và buổi sáng sớm trong ngày. Có thời điểm nước lớn vào sáng sớm, chợ thu hút hàng trăm thuyền bè lớn nhỏ từ tỉnh Vĩnh Long cùng các tỉnh lân cận tới buôn bán và trao đổi hàng hóa.
Cù lao An Bình
Là đảo nhỏ giữa sông Cổ Chiên, cù lao An Bình là một trong những điểm chuyên cung cấp đủ loại trái cây, hoa quả tươi đến các huyện và thành phố Vĩnh Long. Không chỉ có những miệt vườn cây trái sum suê, cù lao An Bình còn là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng với nhiều điểm hấp dẫn như nhà sàn ông Mười Đầy, chùa Tiên Châu. Vì vậy, người dân trong và ngoài tỉnh tìm đến đây để vui chơi, nghỉ dưỡng ngày một nhiều. Từ thành phố Vĩnh Long đến cù lao An Bình bằng thuyền cũng là trải nghiệm thú vị. Trong chuyến đi, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh sông nước Nam Bộ trù phú.
Ở cù lao An Bình, du khách có thể ghé thăm nhà cổ Cai Cường, không lớn như những căn nhà nổi tiếng ở Cần Thơ hay Đồng Tháp. Nhưng nếu yêu thích không gian nhà xưa đặc trưng Nam Bộ thì đây là một địa chỉ phù hợp. Vào khoảng năm 1885, đại địa chủ của vùng là cai Cường cho khởi công xây nhà, hiện công trình thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn. Nội thất được bảo quản tốt, hầu hết được làm từ gỗ quý.
Ăn uống
Với sự đa dạng trong cộng đồng cư dân sinh sống, ẩm thực Vĩnh Long cũng khá đa dạng và phong phú, kết hợp nhiều loại nguyên liệu.
Cá cháy kho Trà Ôn
Loài cá này thường sinh sống ở một lạch nước nhỏ giao giữa hai vùng nước mặn và lợ trên sông Hậu. Cá được chế biến dưới nhiều hình khác nhau từ rim, kho đến nướng, chiên, nấu canh. Món nào cũng mang đến hương vị độc đáo, mà ít có loại cá nước lợ nào so sánh được, trong đó phải kể tới món cá cháy kho. Theo người địa phương, bí quyết để nồi cá cháy ngon là kho chung với mía. Mất công trong khâu chế biến nhưng thịt cá cháy ngọt thơm.
Khoai lang mắm sống
Mắm và khoai là sự kết hợp giữa hai nguyên liệu tưởng như không hề liên quan đã tạo nên hương vị độc đáo, ấn tượng, trở thành món ăn đặc trưng có tiếng của Vĩnh Long. Đồ ăn kèm không thể thiếu là lá cách. Vị ngọt của khoai lang kết hợp với vị mặn của mắm, vị thơm của lá cách cho ra một món ăn đặc biệt mà chỉ cần thử một lần thực khách có thể nhớ mãi.
Cá kèo nướng ống sậy
Cá kèo vốn rất quen thuộc ở Vĩnh Long và đồng bằng sông Cửu Long để, nhưng cá kèo nướng ống sậy lại là một cách thưởng thức hoàn toàn khác với cá nấu lẩu. Những con cá kèo được sơ chế sạch, đặt vào ống sậy và nướng trên bếp than hồng cho đến khi chín. Cá kèo khi nướng có màu vàng, thịt cá mềm vừa phải, ngọt, béo. Cá kèo nướng kết hợp cùng mắm me sẽ rất phù hợp.
Bánh tráng nem cù lao Lục Sĩ
Cù lao Lục Sĩ (cù lao Mây) là làng nghề truyền thống hơn 70 năm chuyên bánh tráng. Hiện làng nghề này sản xuất rất nhiều loại như bánh tráng ớt, bánh tráng sữa, bánh tráng ngọt, đặc biệt là bánh tráng nem. Bánh tráng nem được làm bằng bột gạo, không thêm bất kỳ loại phụ gia nào và được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời và sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống. Bánh tráng nem thành phẩm mỏng nhưng khó rách, mềm dẻo, không giòn và có vị mặn nhẹ, thường được dùng trong các món cuốn.
Đặc sản
Vĩnh Long nổi tiếng với những món quà là đặc sản gắn liền với vùng nhiệt đới trong đó có nhiều loại trái cây đặc trưng.
Thanh trà Vĩnh Long
Thanh trà là một loại trái có vỏ vàng, tròn như chanh, có hai loại chua và ngọt. Thanh trà chua thường có trái tròn, vỏ mỏng, khi chín thường màu vàng sậm, dễ dập. Thanh trà ngọt thì trái dài, vỏ cứng, có lớp phấn trắng bên ngoài, khi chín màu vàng nhạt. Có nhiều cách để ăn thanh trà, trái chua thì chấm muối ớt, trái ngọt thì đem dầm đường. Giá của loại quả này khoảng 50.000 đồng một kg.
Bưởi Năm Roi
Bưởi Năm Roi là loại quả phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nếu nói đến độ ngon, ngọt phải kể đến giống bưởi trồng ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Vùng đất này được bồi đắp phù sa hàng năm từ sông Hậu và sông Trà Ôn cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên đã tạo ra một giống bưởi nổi tiếng. Bưởi Năm Roi Vĩnh Long đều múi, không bị khô, rất thích hợp để làm quà.
Cam xoàn Trà Ôn
Cam xoàn là giống cây ra trái quanh năm, chính vì thế bất cứ lúc nào du khách ghé thăm cũng có thể thưởng thức và mang về làm quà. Loại cam này khi chín rộ sẽ có trọng lượng từ khoảng 250 đến 300 gram một quả. Cam xoàn Trà Ôn ăn được cả múi, cả lớp vỏ lụa bên ngoài, có chức năng nhuận tràng. Cam xoàn tuy ít nước nhưng ngọt và thơm.
Nguồn: Vietnam.Vn