1. TỔNG QUAN
Đông Bắc Bộ gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Vùng đông bắc là vùng lãnh thổ ở hướng Bắc vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Gọi là đông bắc để phân biệt với vùng tây bắc, còn thực chất nó ở vào phía bắc và đông bắc của Hà Nội, rộng hơn vùng Việt Bắc. Vùng đông bắc là một trong 3 tiểu vùng địa lý tự nhiên của Bắc Bộ Việt Nam (2 tiểu vùng kia là Vùng tây bắc và Đồng bằng sông Hồng).
2. KHÍ HẬU
Tuy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nhưng vì địa hình cao, lại có nhiều dãy núi hình cánh cung mở ra ở phía bắc, chụm đầu về Tam Đảo, vào mùa Đông có gió Bắc thổi mạnh, rất lạnh, còn mùa hè mát mẻ, do đó vùng này có khí hậu cận nhiệt ẩm. Vùng núi ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn có thể có lúc nhiệt độ xuống dưới 0°C và có băng giá, đôi khi có tuyết rơi. Các vùng ở đuôi các dãy núi cánh cung cũng rất lạnh do gió.
3. PHƯƠNG TIỆN
Để đi đến các tỉnh trong vùng Đông Bắc thì chỉ có 2 phương tiện là xe máy hoặc xe khách. Các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn có khoảng cách khá xa so với Hà Nội nên để an toàn và tiết kiệm thời gian bạn nên đi xe khách tại bến xe Mỹ Đình. Còn nếu đi xe máy để khám phá và chụp ảnh dọc đường bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng vì có đoạn đường đi không tốt, dốc cao và quanh co.
Nên đi Đông Bắc mùa nào?
Nếu bạn muốn săn ảnh mùa lúa chín tại Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) thì nên đến vào tháng 9, ngoài ra các giai đoạn còn lại cũng rất đẹp (tháng 2-3 mùa nước đổ, tháng 7-8 mùa lúa xanh rì), còn đến Hà Giang (vùng Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc) vào tháng 11 thì bạn sẽ ngất ngây với mùa hoa Tam Giác Mạch trên cao nguyên, màu hồng phớt của hoa rất đẹp khi nắng lên.
4. NHỮNG ĐỊA ĐIỂM NÊN THAM QUAN Ở ĐÔNG BẮC
Chạm vào Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc (Cao Bằng) là điểm đến thiêng liêng trong trái tim của người Việt. Những cột nước khổng lồ từ trên cao đổ xuống, tỏa sương bát ngát bao phủ cả vùng núi non trùng điệp. Nơi ấy, du khách sẽ cảm nhận rõ ràng niềm tự hào dân tộc ở ngay khoảnh khắc này khi mắt chiêm ngưỡng dòng lụa trắng khổng lồ, tai lắng nghe tiếng thác đổ và đôi tay chạm vào những tia nước mát lành.
Lên Cổng Trời " Săn Mây"
Ngay từ cửa ngõ vào Hà Giang, du khách đã thấy "núi ấp ôm mây, mây ấp núi" trên khắp các cung đường, đỉnh đèo cao vun vút. Có lúc mây tít trên cao, tựa chiếc khăn ấm cho ngọn núi tai mèo giá lạnh, khi lại nô đùa quanh sườn núi cùng khách lữ hành. “Một bước chạm tới trời xanh” là cụm từ diễn đạt ý nghĩa nhất khi đặt chân đến cổng trời Quản Bạ. Đứng tại nơi này, du khách có thể chụp toàn cảnh thung lũng Sà Phìn và thị trấn Tam Sơn thơ mộng, lúc mờ lúc tỏ trong làn mây huyền diệu. Xa xa, du khách có thể bắt gặp hình ảnh núi Đôi căng tràn sức sống, như vẻ đẹp thanh tân của thiếu nữ khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Bay Lên Đỉnh Cao Tổ Quốc
Khi đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng - vua của những con đèo ở miền Bắc và chụp tấm ảnh dang tay đón lấy nắng - gió - mây, du khách sẽ cảm thấy thật thú vị như đang bay giữa không trung. Du khách sẽ thấy dòng Nho Quế xanh lục bảo như sợi chỉ vắt vẻo giữa núi đá đẹp tựa tranh thủy mặc. Du khách cũng đừng quên đến cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc thân yêu của Tổ quốc, ngắm lá cờ 54 m2 bay trong gió và lắng nghe tình yêu quê hương dâng tràn trong tim mình.
Ngắm Những Cung Đàn Xanh
Mùa hạ đến, cao nguyên đá được bao phủ màu xanh biếc tràn đầy sức sống của lúa "đang thì con gái" trên thửa ruộng bậc thang. Những cung đàn xanh sẽ ru du khách bằng làn gió mát lành, cái mướt mắt của lúa non và làn mây trắng bồng bềnh. Chính vẻ đẹp ấy, nên dù đường sá cách trở, những người yêu vùng cao vẫn lặn lội đến để ghi lại những khung hình đẹp nhất.
Đi Chợ Phiên Tìm Người Trong Mộng
Nếu muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao, du khách đừng bỏ qua phiên chợ họp vào sáng chủ nhật mỗi tuần của bà con dân tộc. Tại đây, du khách sẽ hòa mình vào không khí sôi động của khu chợ truyền thống, mua vài đặc sản: rượu ngô men lá, thổ cẩm, sản vật núi rừng… Đặc biệt, chợ tình Khau Vai ở Hà Giang có một không hai là nơi mà du khách nên đến một lần. Phiên chợ này dành cho những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau có dịp hẹn hò, tâm sự. Chợ họp vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm.
Giao Lưu Văn Hóa Với Các Dân Tộc
Là nơi sinh sống của dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô, H’Mông… vùng Đông Bắc lưu giữ nhiều phong tục đặc sắc với những nhạc cụ, trang phục, điệu hát… Người dân tộc nổi tiếng hiếu khách nên du khách sẽ dễ dàng giao lưu và trò chuyện cùng họ. Du khách cũng nên tôn trọng tập quán phong tục, mang bánh kẹo, sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em trong bản.
Trải Nghiệm Ẩm Thực Đặc Sắc
Rượu ngô ấm nồng, thịt trâu gác bếp, chè San Tuyết, rau cải mèo, măng nứa, cháo ấu tẩu hay thắng cố... là những món đầu tiên mà du khách phải nếm thử. Đặc biệt, du khách nhất định phải ăn món gà Mèo - giống gà đen chỉ có trên cao nguyên đá. Thịt gà béo, dù luộc, rang hay nấu canh gừng đều rất ngon. Buổi tối, để xua đi cái lạnh, du khách hãy ăn chè nóng, ngô nướng, mía nướng…
Tìm Về Cái Nôi Cách Mạng
Cao Bằng cũng tự hào với rất nhiều di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp của Bác Hồ. Khu di tích Pắc Bó - nơi Người đã từng sống và làm việc; suối Lê Nin, núi Các Mác với khung cảnh thật nên thơ và hữu tình…
Lướt Trên Non Nước Ba Bể
Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) lung linh như viên ngọc bích giữa non cao sẽ là điểm đến tiếp theo trong lịch trình của mỗi du khách. Thời gian như ngừng trôi khi chiếc thuyền đưa du khách xuôi dòng trên mặt hồ phẳng lặng. Vẻ đẹp của mây trời, sóng nước, núi non khiến du khách quên đi mọi ưu tư. Đâu đó, người thiếu nữ Tày trong màu áo chàm vội đánh rơi tiếng hát trên mặt hồ khiến cho mỗi du khách phải ngẩn ngơ.
5. ẨM THỰC
Thắng Dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc.
Thắng Cố Đồng Văn: Nhắc đến ẩm thực Hà Giang thì không thể không nhắc đến thắng cố Đồng Văn. Được chế biến từ nội tạng và xương trâu, bò, thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với những ai sành ăn thì món ẩm thực độc đáo này vẫn để lại ấn tượng khó quên bởi vị ngậy, bùi khác lạ của nó.
Cháo Ấu Tẩu: Món ẩm thực độc đáo này không chỉ có mùi thơm ngậy, bùi cay mà còn có vị đắng đặc trưng của củ ấu tẩu, thành phần chính của cháo. Khi mới ăn có thể sẽ hơi khó nuốt nhưng nếu đã quen thì lại trở thành món ăn gây nghiện.
Rêu nướng là một món ẩm thực độc đáo có hương vị rất riêng của người Tày tại Hà Giang. Người Tày thường lựa chọn những đám rêu non nhất, rồi khéo léo tách phần nhớt phù sa bên ngoài đem trộn với một số loại gia vị như muối, mì chính, lá mùi tàu… sau đó gói vào lá đem nướng.
Xôi Ngũ Sắc: Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác nhau: trắng, vàng, tím, đỏ, xanh, tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là 1 trong những nét ẩm thực độc đáo của vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Bánh Cuốn Trứng Đồng Văn: Bột gạo hấp sau khi được tráng mỏng sẽ được đập thêm trứng rồi gói lại. Khi thưởng thức, thực khách sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong. Món ăn này thường được người dân của vùng cao nguyên đá dùng cho bữa ăn sáng.
Thịt Trâu Gác Bếp là món ăn phổ biến của người dân Hà Giang và cũng là đặc sản của vùng cao nguyên đá được nhiều du khách chọn làm quà. Thịt trâu khô gần giống như thịt bò khô dưới xuôi nhưng ngọt đậm đà hơn, ban đầu thấy vị hơi lạ nhưng càng ăn càng ghiền.
Cơm Lam Bắc Mê là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn khiến bao thực khách khó lòng quên được cho dù chỉ mới thưởng thức 1 lần.
Cam Sành Bắc Quang: Đã từ lâu, cam sành Bắc Quang đã trở thành thứ đặc sản nức tiếng của vùng cao nguyên đá, là thứ quà quý mà mỗi người đi xa muốn nhớ về Bắc Quang bởi hương vị đặc trưng, thơm ngon.
6. ĐẾN ĐÔNG BẮC MUA GÌ LÀM QUÀ
Bắc Kạn có những đặc sản nổi tiếng bạn có thể mua về làm quà cho người thân như miến dong Nà Rì, lạp xưởng hun khói, thịt treo gác bếp, bánh ngãi, bánh pẻng phạ,… đặc biệt đi vào tháng 8 – 10 bạn sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản quýt Quang Thái, loại quýt ngon và có số lượng rất ít ở vùng này.
Cao Bằng có khá nhiều món ngon và đặc sắc, bạn có thể mua rau dạ hiến, măng chua, mận, bò gác bếp, hạt dẻ Trùng Khánh về làm quà cho người thân. Hà Giang có rất nhiều đặc sản vùng núi mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân như rượu ngô, thịt lợn, trâu gác bếp, bánh hoa tam giác mạch, hạt hoa tam giác mạch, chè Shan Tuyết Hà Giang, cam sành Bắc Quang vào độ cuối mỗi năm, mật ong bạc hà nơi cực bắc.
7. LƯU Ý
Bạn nên hạn chế đến Đông Bắc vào mùa mưa (tháng 6 – 9) vì dễ có lũ lụt và sợ lở, đặc biệt đường đèo núi khi lên Hà Giang. Còn đến mùa vào động (tháng 12 – 3) thì nhớ mang theo áo lạnh để giữ ấm cơ thể. Nếu bạn muốn đi phượt xe lên Hà Giang thì tốt nhất nên đi xe khách lên thành phố Hà Giang trước sau đó thêu xe máy lên thị trấn Đồng Văn vì trên cung đường đi Đồng Vân có khá nhiều cảnh đẹp phải dừng lại để tham quan, chụp ảnh.
Nguồn: Wiki Travel
MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH TOUR THAM KHẢO: