KHÁM PHÁ NHỮNG NGÔI CHÙA Ở THÀNH PHỐ BIỂN PHAN THIẾT BÌNH THUẬN

1. Chùa Ông - Quan Đế Miếu

Địa chỉ: Đức Nghĩa, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

Chùa Ông ở Phan Thiết hay còn được gọi là Quan Miếu Đế là ngôi miếu có niên đại cổ xưa nhất và lớn nhất của người Hoa trên mảnh đất Bình Thuận. Chùa nằm tại phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết. Vì gần trung tâm thành phố nên chùa nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch và phật tử ghé thăm khi đến Phan Thiết.


Quan Miếu Đế nằm trên diện tích khá lớn, có kiến trúc và trang trí nghệ thuật mang hơi hướng đặc trưng truyền thống của người Hoa. Trên thanh xà cò nóc chính diện khắc dòng chữ Hán “ Thiên kiến Canh Dần niên trọng đông kiết tạo" với ý nghĩa là "Chùa được thiết lập vào tháng 11 năm Canh Dần" tức năm 1770.




Kiến trúc của Quan Miếu Đế khá ấn tượng với các dãy nhà nối nhau tạo thành hình chữ Kim trong tiếng Hán. Hệ thống cột, vĩ kèo chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, có phần giống kĩ thuật chạm khắc trong các ngôi đình chùa của người Việt Nam ta. Các cột chính đều treo câu đối được chạm khắc, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy. Bên trong miếu có những bức tranh chạm gỗ miêu tả các điển tích xưa của người Hoa có niên đại thế kỷ 18. Nhiều bức hoành lớn được chuyển từ Trung Hoa sang ở thế kỷ 19. Đây đều là những cổ vật có giá trị lớn đối với Quan Đế Miếu

Quan Đế Miếu - Chùa Ông ở Phan Thiết sau gần 250 năm lịch sử vẫn còn lưu giữ rất nhiều những chiếc chuông cổ có giá trị lịch sử nghệ thuật, hầu hết những chiếc chuông này được đúc ở Quảng Đông Trung Quốc rồi được đưa đến Quan Đế Miếu ở Phan Thiết từ triều đại nhà Thanh. Kiểu cách và vật liệu giống Đại hồng chung của người Việt nhưng được trang trí phức tạp và rườm rà hơn trên thân chuông.

Quan Đế Miếu ở Phan Thiết không phải là nơi thờ Phật mà người Hoa xây dựng ngôi miếu này với mục đích là để thờ Quan Công (Quan Vân Trường). Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí tập 12 gọi đây là Đền Quan Công. Quan Đế Miếu chỉ thờ tượng Quan Thánh đế quân và một số bức tượng khác mà không thờ Phật nhưng dân gian từ xưa đến nay ở Phan Thiết cả người Hòa và người Việt đều gọi tên nơi đây là Chùa Ông. Quan Đế Miếu không cho nhà sư trụ trì.


Vào ngày Tết Nguyên Đán, Chùa Ông - Quan Đế Tự là nơi mà người dân địa phương đến để cầu cho cuộc sống hạnh phúc, may mắn và ấm no. Chùa Ông còn là trung tâm của Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân của cộng đồng người Hoa tại thành phố Phan Thiết. Chùa có quang cảnh vườn rất đẹp đem lại cảm giác thanh tịnh, bình yên cho những ai đến đây tham quan khám phá.

 

2. Chùa Phật Quang

Địa chỉ: Trần Quang Khải, Bình Hưng, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Phật Quang ở Phan Thiết là ngôi chùa cổ nhất tại Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Chùa được xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) cách đây hơn 320 năm. Trước đây chùa có tên gọi là Bồ Đề hoặc dân gian thường gọi là chùa Cát do vùng đất Phan Thiết khi chưa phát triển như ngày nay thì dân cư thưa thớt, quanh chùa là những bãi cát chạy dài cho tới biển. Chùa thuộc thôn An Hòa, tổng Vạn Phước, huyện An Phước, phủ Bình Thuận, nay là đường Trần Quang Khải, Phường Hưng Long, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Chùa Phật Quang có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Phan Thiết, là nơi người dân sinh hoạt văn hóa và cầu mong những điều tốt đẹp đến người người thân, gia đình của mình.

Chùa Phật Quang ở Phan Thiết là nơi lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc trên gỗ thị huyết - hay còn gọi là thị đỏ có lịch sử từ thời nhà Lê Trung Hưng được coi là quốc bảo Phật Giáo Việt Nam rất quý giá.

Chùa được trùng tu và trùng hưng nhiều lần. Trải 18 đời truyền thừa. Năm 2002, chùa được trùng kiến, to đẹp hơn với 15 vườn tượng Phật nhưng chùa cũ vẫn giữ nguyên với nhiều pho tượng và pháp khí cổ. Ngôi chùa này có đến 166 con rồng trang trí, cùng vô số phù điêu hoa văn khắc họa về Phật pháp cho đến các danh thắng Việt Nam và Bình Thuận được làm từ 48 tấn mảnh sành, mua từ các làng gốm miền Bắc, được các thợ Huế chọn lọc ghép thành. Do đó nơi đây không chỉ là điểm đến của các phật tử bốn phương mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, khách du lịch Việt muốn tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam.


Năm 1987, trong lúc trùng tu, thầy trụ trì Huệ Tánh phát hiện dưới tượng Phật chánh điện có hầm bí mật. Trong hầm có tài liệu Việt Minh và bộ kinh Pháp Hoa. Tài liệu Việt Minh gồm 100 cuốn tài liệu "Muốn thành cán bộ tốt" in ngày 30.7.1947, khổ 15 x 20 cm, gói cẩn thận trong mo cau. Chùa nộp cho phường 40 cuốn và Ban Đại diện Phật giáo tỉnh 60 cuốn.

Ngoài Bộ kinh Pháp Hoa thì chùa Phật Quang ở Phan Thiết còn có rất nhiều các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn đối với riêng ngôi chùa và cả Phật giáo Việt Nam. Vào năm 2002, kho khởi công trùng kiến chùa Phật Quang đã phát hiện được 3 tượng đồng với hơn 300 năm tuổi ( tuy nhiên đã bị đánh cắp 1 pho tượng) và rất nhiều cổ vật khác. Chùa còn có cặp mõ và chuông Gia Trì lớn nhất Việt Nam. Cặp mõ được làm bằng gỗ mít Quảng Bình thực hiện từ năm 1977 đến năm 2004, có chiều cao 80cn và chiều ngang là 92cm. Chuông Gia Trì do thợ Quảng Nam thực hiện, cao 1m, đường kính 1,2m, nặng 400 kg

Đi du lịch Phan Thiết nếu là người yêu thích tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng hay muốn thành tâm thắp hương khấn Phật cầu mong những an lành, tốt đẹp đến với gia đình, người thân của mình thì bạn hãy ghé đến thăm chùa Phật Quang nhé!

 

3. Chùa Bửu Sơn

Địa chỉ: Nguyễn Thông, Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Bửu Sơn ở Phan Thiết còn có tên gọi khác là Chùa Tháp với lịch sử khá lâu đời từ cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỷ 19. Chùa Bửu Sơn được Vua Gia Long ban “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự”. cách thành phố 6km về hướng Đông Bắc. Đường trước Chùa từ cao nhìn xuống ta có thể thấy được Thành phố Phan Thiết. Phía sau Chùa là hai Tháp Chàm với màu gạch tạo thành một quần thể Tháp rất đẹp

Ngôi chùa được xây dựng khá lớn nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhìn về biển Phú Hải. Từ Chùa Bửu Sơn bạn sẽ được chiêm ngưỡng quang cảnh thành phố biển xinh đẹp Phan Thiết và cảnh biển nguyên sơ đẹp dịu dàng của vùng đất này. Phía sau Chùa là hai Tháp Chàm màu gạch đỏ tươi tạo thành một quần thể Tháp rất đẹp.



Năm 1950 Chùa Bửu Sơn do sự tàn phá của chiến tranh mà chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1954 hai Phật Tử Phạm Khắc Minh và Nguyễn Thanh Vân xây dựng lại chùa để người dân địa phương đến sinh hoạt văn hóa tâm linh. Chánh điện Chùa tuy không đồ sộ nhưng rất trang nghiêm, điện phật thờ Đức Phật Thích Ca và một số tượng cổ (số tượng cổ này hiện nay đã bị đánh cắp). Tả hữu thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, lầu trống thờ Hộ Pháp và Tiêu diện đại sĩ. Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ và Tiên Linh. Bên cạnh Chùa còn một ngôi tháp 2 tầng không rõ đây là Tháp của vị sư nào.

 Đến năm 1958 chùa Bửu Sơn thành lập gia đình Phật Tử Thiện Chánh do ông Lâm Vĩnh Bá tổ chức. Năm 1961 Bổn đạo và ông Lâm Vĩnh Bá tiếp tục trùng tu lại chùa cho khang trang hơn. Trước Chùa có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên, mặt quay về hướng biển, người dân địa phương tin rằng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ phù hộ cho ngư dân quanh vùng Phú Hải có cuộc sống ấm no, bình yên.


Khách du lịch đến đây để tìm một chốn bình yên ngắm nhìn khung cảnh thành phố và cảnh biển, lễ Phật để cảm nhận tâm hồn thanh tịnh, dịu dàng, tạm quên đi những muộn phiền của cuộc sống xô bồ, tấp nập.

 

4. Thanh Minh Tự

Địa chỉ: Mậu Thân, Phú Thuỷ, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

 

Thanh Minh Tự nằm trong khu Đô thị biển của thành phố Phan Thiết nên rất dễ tìm kiếm. Đây là nơi người dân và khách du lịch có một khoảng không gian yên tĩnh để thư giãn tâm hồn, nghe tiếng sóng vỗ rì rào của biển cả mênh mông. Nên Thanh Minh Tự không chỉ nổi tiếng đối với các phật tử mà còn là điểm đến được rất nhiều khách du lịch Phan Thiết quan tâm.

Thanh Minh Tự xưa kia là ngôi chùa được bà con trong hội Thanh Minh xây dựng vào thời vua Tự Đức năm 1876. Chùa nhiều lần hư hại nặng nề do chiến tranh và thiên tai nên để có được ngôi chùa khang trang như hiện nay, Thanh Minh Tự đã được phục dựng, tu tạo nhiều lần.

Lúc bấy giờ, trong chùa thờ ngài Tiêu Diện Đại Sĩ. Theo truyền thuyết dân gian, đây là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát. Ngoài ra, trong chùa còn thờ các vị Tiên linh, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ. Tiền hiền - Hậu hiền đã có công kiến tạo sự ổn định mọi mặt cho người dân quanh vùng an cư lạc nghiệp. Việc thờ cúng ở đây đã thể hiện đầy đủ tín ngưỡng dân gian và chịu sự ảnh hưởng của văn hóa tâm linh Phật giáo. Trong khuôn viên Thanh Minh tự còn có miếu Ngũ Hành thờ Ngũ vị Thánh Mẫu: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Đây là tín ngưỡng theo thuyết ngũ hành, thể hiện lòng tôn kính đối với vũ trụ phù hợp với quan niệm Á đông.

Cuối năm 1991, khu vực ven biển Thương Chánh thuộc phường Phú Thủ (trong đó có Thanh Minh Tự) được giao cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng sân golf Phan Thiết. Từ đây, việc thờ cúng cũng như tu bổ Thanh Minh tự không còn được quan tâm, nhà đầu tư còn có ý phá bỏ nhưng không thực hiện. Cuối năm 2012, Tập đoàn Rạng Đông chuyển nhượng toàn bộ dự án sân golf Phan Thiết. Nhận thấy, ngôi chùa cổ và miếu Ngũ Hành tuy đã xuống cấp nhưng nơi đây vẫn mang trong mình giá trị tâm linh vô giá nên tập đoàn này đã đầu tư kinh phí tôn tạo và phục dựng Thanh Minh Tự. Sau hơn 1 năm tôn tạo, sửa chữa (từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016) chùa đã được phục dựng gần như nguyên trạng lối kiến trúc cách đây 140 năm của ngôi chùa này bao gồm giếng cổ và nét trang nghiêm, độc đáo của Thanh Minh Tự.

 Bên cạnh giữ nguyên kiến trúc cổ Phan Thiết với kết cấu nhà 2 gian cột gỗ, lợp mái ngói âm dương, chạm khắc hình rồng, chánh điện, gian thờ, ngôi chùa cổ còn được thiết kế hồ nước xung quanh, chiếc cầu bắc ngang, lối đi, tường bao, cổng tam quan bằng loại gạch thẻ truyền thống, trồng thêm nhiều cây cổ thụ, bonsai, mai tứ quý, vạn thọ, hoa sen… khiến khung cảnh chùa rất đẹp, bình yên nhưng cũng hết sức trang nghiêm khiến bất cứ ai đến đây đều khen ngợi không gian và thiết kế của chùa.



Thanh Minh Tự có vị trí nằm giữa khu đô thị biển Phan Thiết thuộc khu vực trung tâm thành phố nên khi Thanh Minh tự và miếu Ngũ Hành mở cửa, khánh thành trở lại để phục vụ người dân tham quan, cúng tế đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo người bản địa và khách du lịch trong đó có cả các bạn trẻ đến đây viếng thăm, ngắm cảnh. Rất nhiều người ấn tượng với không gian kiến trúc của chùa đã đến đây để chụp ảnh lưu niệm và thưởng ngoạn không gian đẹp, thanh tịnh tại di tích văn hóa tâm linh rất độc đáo của thành phố Phan Thiết trong chuyến du lịch của mình.

 

5. Chùa Linh Long

Địa chỉ: Mũi Né, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận



Chùa Linh Long là ngôi chùa nổi tiếng nằm tại phường Mũi Né cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 22km. Chùa nằm trên ngọn đồi Nghĩa Trũng - giếng Ông Hổ ở trung tâm Mũi Né. Ngôi chùa do các vị tiền bối từ các tỉnh miền Trung vào lập nghiệp, tạo nên từ năm 1811. Khi được xây dựng lần đầu chùa có kiến trúc bằng tre, vách đá trên dốc Thương Chánh. Đến năm 1851 chùa bị hư hỏng nặng bởi thời gian nên được dời đến dốc Nghĩa Trũng - giếng Ông Hổ như ngày nay. Lần rời đi xây lại này chùa Linh Long được xây bằng vách đá, lợp ngói âm dương. Nhiều năm tiếp theo đến năm 1968 chùa tiếp tục được xây lại khang trang hơn.

 

Có câu chuyện của người Phan Thiết nói rằng, đồi Nghĩa Trũng - giếng Ông Hổ cách đây hơn 200 năm là rừng rậm, hoang sơ, chim muông, thú rừng thường ẩn náu, có cả hổ. Những vị tiền nhân thường thấy hổ xuống uống nước tại chiếc ao rộng 4m, sâu 5m. Uống xong, hổ ngồi trên tảng đá phơi nắng. Vì thế, người dân đặt tên là giếng Ông Hổ. Theo thầy Thích Pháp Minh (trụ trì chùa), trước đây giếng đầy nước quanh năm, đủ nước dùng cho chùa và cho người dân lân cận sử dụng.

Sau khi phải rời đi và xây dựng lại chùa có kiến trúc hình chữ Khẩu. Trong không gian chữ khẩu khép kín chia thành 5 khu vực: Chánh Điện, Phương Trượng, Đông Đường, Tây Đường và Nhà Trù. Chùa Linh Long đến nay vẫn còn lưu giữ 2 bản gỗ xưa chạm 2 câu đối và nhiều tượng cổ như: Đức Ngọc Hoàng, Tiêu diện Đại sĩ (làm từ đất sét) và tượng Quan Thánh Đế Quân (làm từ gỗ) đã có từ khi chùa mới lập. Ngoài ra, mõ gõ, ghế, bàn trong chùa chạm khắc tinh xảo với nhiều hoa văn, hình cá, mặt hổ...

 

Khu vực bên phải Chùa Linh Long là khu vườn Lâm Tỳ Ni với nhiều phù điêu rồng cuộn 2 bên trụ cổng phỏng lại nơi Phật được sinh ra. Bên trái là Lộc Uyển, có tượng Phật Thích Ca ngồi dưới cây bồ đề thuyết pháp cho 5 anh em nhà Kiều Trần Như. Phía sau, pho tượng Phật nằm nhập niết bàn. Bao quanh chùa là cây xanh tỏa mát, các khu vườn quanh chùa Linh Long mô tả cuộc đời của Phật từ lúc sinh ra đến lúc nhập niết bàn.

Chùa Linh Long là địa điểm yên tĩnh từ chùa có thể ngắm nhìn khung cảnh biển tươi đẹp của Phan Thiết - là chốn bình yên giúp người dân địa phương và khách du lịch có khoảng lặng tâm hồn. Vì nằm gần với những địa điểm du lịch nổi tiếng nên chùa Linh Long cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách đến đây trong đó có cả du khách Việt và du khách quốc tế vừa đến để ngắm cảnh vừa là để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

 


6. Chùa Thiện Quang

Địa chỉ: Hồ Quang Cảnh, Thiện Trung, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Thiện Quang là ngôi chùa mới được khánh thành ở Phan Thiết Bình Thuận. Chùa được xây dựng khang trang với diện tích khá rộng lớn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh mới cho tín đồ Phật Giáo ở Phan Thiết nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chùa có Chánh điện rất lớn nhiều tầng, khuôn viên rộng lớn. Cổng chùa uy nghi, 2 bên là hai dòng chữ “Đại Từ” và “Đại Bi”. Bước vào bên trong sân chùa 2 bên là rất nhiều tượng Phật tạo nên khung cảnh trang nghiêm. Chùa được sơn son thiếp vàng rất ấn tượng với kiến trúc đẹp mắt, thiết kế cầu kỳ khiến rất nhiều người Phan Thiết và khách du lịch đến đây dành lời khen ngợi cho ngôi chùa nguy nga này. Chắc chắn đây sẽ là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với khách du lịch và cả những phật tử về đây tham quan, lễ Phật.


 

7. Chùa Liên Trì

Địa chỉ: 1B - 3B Nguyễn Văn Cừ, Đức Nghĩa, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Liên Trì - Phan Thiết hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Tre được xây dựng rất lâu đời từ đời Lê Cảnh Hưng năm 1740. Chùa tọa lạc tại phường Đức Nghĩa thành phố Phan Thiết. Gọi là chùa Tre bởi trước kia bao quanh chùa là một rừng tre với cây cối xum xuê, um tùm trải dài. Chùa được xây dựng để thờ Phật, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương nhưng vì khung cảnh thiên nhiên ấn tượng nên được gọi là chùa Tre. Theo lời người xưa kể lại, năm 1783 Vua Gia Long trên đường bôn tẩu vào Nam, có ghé đến đây và đã đặt hiệu “Liên Trì Tự”.

Vào khoảng những năm 1800 đến năm 1810 Hòa Thượng Đạo Chơn Quang Huy từ Phú Yên vào hoằng hóa Phật pháp nơi đất Bình Thuận. Ngài được dân làng cung thỉnh trụ trì Chùa Liên Trì. Vào năm Bính Tý 1812 – Gia Long thứ 10, Hòa Thượng Đạo Chơn đúc một quả Đại Hồng Chung cao 1,5 mét. Tân Hợi 1851, Hòa Thượng Quang Huy viên tịch, Hòa Thượng Đạo tín Hải Chấn kế vị trụ trì chùa Liên Trì. Theo lời kể thì chính Hòa Thượng Hải Chấn đã truyền bá khoa nghi ứng phú đạo tràng đầu tiên tại Bình Thuận và dùng âm điệu tang đẩu Phú Yên cải biên thành tang đẩu Bình Thuận. Do đó Chùa Liên Trì trước đây là nơi giảng dạy khoa ứng phú đạo tràng cho Chư Tăng Bình Thuận do Hòa Thượng Hải Chấn giảng dạy.

 Chùa được kiến trúc theo hình chữ khẩu, phía trước là Chánh điện, cách sân nhỏ phía sau là hậu Tổ, nối liền Chánh điện và nhà Tổ là đông, Tây lang. Kế vị trụ trì vào năm 1885 là Hòa Thượng Liễu Đoan Tường Vân. Năm 1913, Hòa Thượng Tường Vân làm Đàn đầu Hòa Thượng giới đàn Chùa Thiền Long (Phong Nẫm).

 Chánh điện Chùa Liên Trì có điện Phật được tôn trí trên cao 3 pho tượng Phật Tam Thân bằng đồng cao 1 mét. Tầng dưới thờ Đức Phật Thích Ca và các pho tượng đồng như Quán Thế Âm, Di Lặc, Hộ Pháp, tả hữu thờ Tổ Đạt Ma và Quan Thánh (Sau đổi lại thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng), đối diện hai bên thờ Ngọc Hoàng, Thập Điện, Thánh Mẫu, Tiêu Diện Đại Sĩ…Đến nay, chùa Liên Trì ở Phan Thiết còn lưu giữ chiếc khánh đồng có khắc dấu càn khôn đúc vào đời Lê Cảnh Hưng. Chuông gia trì, bảo chúng, Đại Hồng Chung, mõ và nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát, Thánh bằng đồng rất có giá trị về mặt nghệ thuật. Chính giữa chánh điện có bức hoành phi.


Năm 1960, Ban hộ tự xây dựng cổng Tam Quan, tu sửa mặt tiền Chánh điện và sơn thếp các pho tượng thờ. Đến năm 1999 chùa được trùng tu lại Chánh điện, nhà Tổ, lầu chuông trống. Chùa Liên Trì còn 3 ngôi mộ Tháp bên cạnh phía sau nhà Tổ, một Tháp vọng thờ Hòa Thượng Vĩnh Sung, bên cạnh tháp là 2 ngôi mộ chôn các vị trụ trì chùa.


Chùa Liên Trì với gần 300 năm lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với người dân địa phương và là một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh của người Phan Thiết. Chùa trải qua rất nhiều thời kỳ suy thịnh đến nay vẫn còn giữ nguyên được hình dáng ban đầu, chùa có giá trị lớn lao trong văn hóa, lịch sử Phật Giáo Bình Thuận, chứng kiến đổi thay của thành phố. Chùa Liên Trì cũng là một trong những địa điểm du lịch khám phá văn hóa địa phương thu hút sự quan tâm của khách du lịch.

 


8. Chùa Giác Hoa

Địa chỉ: 55 Thủ Khoa Huân, Phú Thuỷ, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Giác Hoa là ngôi chùa mới được xây dựng vào năm 1956 bởi Hòa Thượng Thích Long Hoa tại số 55 đường Thủ Khoa Huân, Phú Thủy Phan Thiết. Tuy so với những ngôi chùa khác ở Phan Thiết thì chùa Giác Hoa hình thành muộn hơn nhưng ngôi chùa này cũng góp một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Phan Thiết.

Khởi nguyên Chùa được xây dựng rất đơn giản dùng để làm nơi tu niệm của Hòa Thượng Long Hoa dần dần Chùa được trùng tu xây dựng khang trang như ngày nay. Hòa Thượng Long Hoa viên tịch ngày 15 tháng 7 năm 1966. Kế vị trụ trì là Thượng Tọa Thích Tịnh Nghiêm. Năm 1967 Thượng Tọa Tịnh Nghiêm viên tịch, Hòa Thượng Thích Tịnh Trí trụ trì cho đến ngày nay.

Chùa được tu sửa nhiều lần để có khuôn viên như ngày hôm nay. Chánh điện Chùa lợp tôn, tiền đường có cổ lầu tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Chánh điện tuy nhỏ nhưng rất khang trang. Gian giữ chánh điện tôn trí tượng Đức Bồ Sư Thích Ca. Bồ Tát Văn Thù Và Phổ Hiền, tả hữu thờ Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng. Gần lầu chuông trống thờ tiêu diện Đại sĩ và Hộ Pháp.

 

Chùa Giác Hoa được trang trí nhiều cây cảnh rất đẹp. Hiện nay Hòa Thượng Thích Tịnh Trí trụ trì Chùa Giác Hoa. Ngài là vị trụ trì có công đức trùng tu xây dựng Chùa Giác Hoa rất lớn. Với không gian nhỏ ở chùa và lòng từ bi của các sư trong chùa nên đây là nơi cưu mang rất nhiều những chú chó bị bỏ rơi không có chủ chăm sóc. Chùa Giác Hoa là điểm đến dành cho những tín đồ Phật Giáo, khách du lịch và những ai yêu thương động vật muốn góp sức giúp đỡ chùa.

 

9. Chùa Phú Sơn

Địa chỉ: Hải Thượng Lãn Ông, Phú Tài, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận


Chùa Phú Sơn - Phan Thiết còn được gọi là Phú Linh Tự. Chùa tọa lạc tại phía Đông Nam Phú Tài, gần bờ sông Văn Thánh. Theo dân địa phương kể lại, Chùa được dựng và thời hậu Lê (thế kỷ 18) do Hòa Thượng Tâm Hậu trụ trì. Đến thời Tây Sơn, ngôi Chùa này bị tàn phá. Năm 1843 ông Ngô Hiền phát tâm cúng 4000m2 đất tại làng Phú Tài để dựng lại ngôi Chùa Phú Linh và đổi hiệu Phú Sơn Tự và cung thỉnh Hòa Thượng Yết trụ trì.

Năm 1953 Chùa Phú Sơn bị chiến tranh tàn phá lầu 2, Phật tử dời về Miếu Thành Hoàng gần thành Tỉnh cũ nay thuộc thôn Xuân Hải, Xã Phong Nẫm, Tp. Phan Thiết dựng lại ngôi Chùa mới như hiện nay, do Đại Sư Tâm Hòa hiệu Phước Lâm trụ trì. Vị Đại Sư đã có công trùng tu chánh điện, Tháp Hòa Thượng Thịnh Quang. Sau khi Đại Sư Tâm Hòa mất, Thầy Không Ý hiệu Minh Dĩ và Thầy Nhuận Tín hiệu Thiện Hiền trụ trì. Sau khi hai Thầy viên tịch năm 1995, Đại Đức Thị Thạch xây dựng vòng thành và tu tạo Pháp khí chùa Phú Sơn để cảnh quan chùa thanh tịnh, trang nghiêm hơn.

 


Bên cạnh Chùa có 2 ngôi Tháp của Thầy Phước Lâm và Thiện Hiền. Phía trước Chùa bên trái có ngôi miếu nhỏ thờ Thần Hoàng và 3 đạo sắc phong. Giữa sân Chùa tôn trì tượng Đức Phật Di Lặc, ngoài là cổng Tam Quan, hiện nay Chùa còn giữ được pho tượng Phật Di Đà, Quán Thế Âm, Hộ pháp, Di Lặc bằng đồng. Tượng Tổ Đạt Ma và Ngọc Hoàng bằng gỗ rất xưa, những pho tượng này là di tích còn sót lại của Chùa Phú Sơn.

Chùa nằm trong không gian rộng rãi, thoáng đãng của rừng núi nên cảnh quan trong lành, không khí mát mẻ, yên bình. Ngoài những tín đồ phật tử thường ghé đến đây bái Phật thì khách du lịch Phan Thiết cũng coi đây là chốn dừng chân, thư giãn để tạm quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống.

 

Mong rằng du khách sẽ có những chuyến đi Phan Thiết, Bình Thuận nhiều niềm vui và ý nghĩa!