NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DÂN CÀ MAU "TÁT ĐÌA BẮT CÁ"

"Tát đìa bắt cá" đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng ngọt hóa Cà Mau. Mọi người cùng nhau bắt cá, chọn những con béo mập đem nướng rơm, ăn thơm lừng!

Quanh các vùng ngọt hóa của các huyệt Trần Văn Thời, U minh… thường nhà nào cũng có mương (đìa). Mùa nước lớn, cá từ sông lên ruộng tìm mồi, đến khi nước cạn, chúng lại xuống mương, đìa ẩn nấp và sinh sản. Tại đây thường được bố trí cây khô để cá trú ẩn. Mương, đìa mà không lâu tát sẽ có rất nhiều cá, kể cả cá lớn.

Từ sáng sớm, người dân dùng máy bơm rút hết nước trong đìa để bắt cá. Nước cạn, cá lớn như cá lóc, cá trê chui vào hang để trốn. Vì vậy người bắt cá phải có kinh nghiệm, mò kỹ những chỗ cần thiết thì mới bắt được nhiều cá.

Cá sau khi bắt được khẩn trương rửa sạch để tránh bị ngợp chết. Đồng thời, chủ đìa tiến hành phân loại cá cân (cá đủ trọng lượng) để bán cho thương lái; cá dạt (cá chưa đủ trọng lượng) thả lại nuôi làm giống hoặc làm mắm, làm khô.

Sản phẩm thu được khi tát đìa ở Cà Mau chủ yếu là cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, thác lác, rùa, nhiều khi có cả rắn….

 

Các loại cá lóc, trê, rô chủ yếu bán cá tươi cho các thương lái. Riêng cá bổi thì làm khô, cá sặc thì làm mắm.

Thông thường, mỗi khi tát đìa là cả xóm đến làm phụ, người dân Cà Mau gọi là “bắt cá vần công”. Thanh niên trai tráng thì khiêng máy, bắt cá, gánh cá, rửa cá, cân cá; phụ nữ thì nấu cơm, làm cá, muối cá, phơi khô. Đến khi nhà khác tát đìa thì nhà này lại đi làm trả công. Sau khi bắt cá đìa vần công, người bắt cá, làm cá vần công thường được chủ nhà cho 5 đến 10 kg cá và trứng cá để ăn; cho đầu cá, lòng cá để nấu lấy dầu….

Những con cá lớn được đem đi nướng rơm, ăn kèm nước mắn pha đặc trưng của Cà Mau, ăn có mùi vị rất ngon, mọi người sau khi làm việc ngồi cùng ăn vui vẻ, hát cải lương đến đêm mới về.