Nhà cổ Hương Cả Bá ở Cần Thơ

Nhà cổ Hương Cả Bá ở Cần Thơ

  • Từ trung tâm quận Thốt Nốt, chúng tôi theo quốc lộ 91 hướng về thành phố Cần Thơ khoảng 2 cây số thì nhìn thấy một con lộ nhỏ phía bên trái. Con lộ này có tên là lộ Bà Cả - tên người dân thường gọi nữ chủ nhân của ngôi nhà cổ từ thuở vàng son. Lộ rộng 4 mét, ô tô thời xưa có thể chạy được. Lộ Bà Cả băng qua một cánh đồng rộng lớn, chạy ra đến mé rạch Cái Ngãi khoảng chừng 1km rồi quẹo trái chừng 100 mét là đến ngôi nhà cổ của ông Cả Bá. Từ con đường xuyên ruộng này, xa xa là đã có thể nhìn thấy dáng dấp kiến trúc của ngôi nhà xưa đó rồi. 
  • Đây là cụm nhà cổ gồm ba ngôi do ba anh em ruột của ông Cả Bá mà ngày xưa người ta nói rằng gia đình này mấy anh em đều "chơi" nhà cổ và đồ cổ mà xây dựng nên. Giờ đây, chỉ còn một cái lớn nhất trong ba ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn nội thất, đồ đạc thuở xưa. Cụm nhà cổ này nằm trong khu vực Quy Thạnh 2, thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. 
  • Nhà cổ ông Cả Bá được khởi công xây dựng từ năm 1918 và hoàn thành năm 1925. Nhà xây tường gạch theo lối kiến trúc Pháp nhưng lại mang đậm nét truyền thống Nam bộ là ba gian hai chái, mái lợp ngói vảy cá. Kèo cột, trần nhà toàn là bằng gỗ quý. 
  • Sau khi qua cổng chính gồm hai trụ xây gạch và hai cánh cửa sắt nặng chịch, muốn bước vào nhà lại phải qua hai cầu thang hình cánh cung để lên đến sảnh chính. Bốn phía chung quanh căn nhà là dãy hành lang rộng khoảng một mét, cột trang trí hoa văn cầu kỳ. 
  • Mặt nền ngôi nhà bị lún xuống so với các trụ cột cái nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc. Hai bên nhà là hai chái của hai dãy phòng ngủ. Bài trí bên trong nhà mang đậm phong cách Á Đông. Ngay giữa phòng khách là mấy bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, hai bộ ván gỏ và sát vách trong cùng của phòng khách là gian thờ cúng tổ tiên cùng với khí cụ của thập bát ban võ nghệ (thờ nhiều loại binh khí thời xưa). 
  • Hai bên vách phòng khách kê nhiều tủ đứng cẩn ốc xà cừ, bên trên có ghi năm sản xuất từ 1912 đến 1920. Ngoài ra trên vách còn đính trang trí các lưỡi răng cưa của cá đao, một loài cá biển nhưng theo đồn tụng là đánh bắt được ở vùng Vàm Nao, An Giang. Cặp theo các cột chính giữa nhà là các cặp liễn đối bằng gỗ. Phiá sau là nhà kho, bếp, cầu xí và nhà tắm. 
  • Điểm đặc biệt nhất ở ngôi nhà cổ này là ngay giữa trần nhà phòng khách có treo chiếc đèn măng sông, bóng đèn bị vỡ một chỗ và bên trong có một tổ chim mà trong gia đình chẳng ai nhớ nó có tự bao giờ!
  • Do ngày xưa đây là một trong những nhà giàu có nhất nhì vùng này nên trong khuôn viên nhà còn có kho chứa lúa nằm bên phải ngôi nhà. Ở phía trước nhà, bên trái hiện người ta đã xây dựng một chiếc cầu bắc ngang qua rạch Cái Ngãi. Đứng trên chiếc cầu này chúng tôi có thể nhìn thấy được bao quát cảnh đẹp cụm ba căn nhà cổ hòa với cỏ cây, kênh rạch.
  • Và cũng từ đây chúng tôi trở ra lộ cái (quốc lộ 91) bằng con đường làng rợp bóng mát quanh co, tĩnh lặng theo con rạch Cái Ngãi.
Hãy cùng D'Annam Travel tìm hiểu về ngôi nhà và kiến trúc nhà cổ của ông bà Cả Bá một thời vàng son nhé!
 
Nguồn và Ảnh: Tản mạn kiến trúc
 
Kiến trúc bên ngoài của nhà cổ
 
Hành lang nhà cổ
 
 
 
Một góc nhìn từ trên cao xuống 
Ngôi nhà được bao quanh bởi cánh đồng và dòng sông thơ mộng