Ngoài những chiếc cổng trời thì Ngọ Môn Huế, Thành Nhà Hồ hay cổng làng An Giang cũng là những chiếc cổng sống ảo đẹp, lên hình bao chất.
Ngọ Môn Huế - một trong những chiếc cổng sống ảo ở Việt Nam được giới trẻ "mê mệt"
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Huế là điểm đến với vẻ đẹp thơ mộng, cổ kính. Nơi đây từng là kinh thành của triều đại nhà Nguyễn, lưu giữ những giá trị văn hóa – kiến trúc vượt thời gian.
Một trong những điểm đến nổi tiếng của Huế chính là Ngọ Môn Huế - một hạng mục thuộc quần thể kinh thành Huế xưa kia. Ngọ Môn là cổng chính phía Nam của Hoàng Thành, là bộ mặt của Hoàng Thành và vương triều nhà Nguyễn thời phong kiến.
Ngọ Môn được xây vào đời vua Minh Mạng năm 1883. Ngọ Môn là cổng thành lớn nhất trong số 4 cổng Hoàng Thành. Dù là cổng chính và có quy mô lớn nhất nhưng Ngọ Môn không được sử dụng nhiều mà thường đóng kín. Cổng thành chỉ mở vào những dịp đặc biệt như khi vua ra vào hoặc tiếp đón sứ thần ngoại quốc quan trọng.
Ngày nay, Ngọ Môn Huế trở thành chiếc cổng sống ảo đẹp mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch Huế. Sau hơn 180 năm với nhiều tác động của thời gian, thời cuộc, Ngọ Môn vẫn vững vàng tồn tại, trở thành biểu tượng đẹp của đất cố đô.
Kết cấu của cổng thành Ngọ Môn là một phức hệ, được chia thành 2 phần là nền đài phía dưới và Lầu Ngũ Phụng phía trên. Tổng thể cổng thành với vẻ đẹp bề thế, với mái ngói nhẹ nhàng cùng dấu ấn thời gian để lại trên những mảng tường, biến nơi đây trở thành góc check in tuyệt đẹp.
Với người dân xứ Huế, Ngọ Môn như một kiệt tác về mặt kiến trúc, là nơi lưu dấu một thời vàng son của triều đại phong kiến Nhà Nguyễn. Còn với du khách trong và ngoài nước, đây là một trong những chiếc cổng đẹp, mang lại nhiều bức ảnh du lịch ấn tượng. Đó là lý do mà Ngọ Môn trở thành biểu tượng của xứ Huế, mãi là hình ảnh đẹp vượt thời gian.
Thành Nhà Hồ
Cũng như Ngọ Môn Huế, Thành Nhà Hồ là một trong những chiếc cổng mang ý nghĩa lịch sử của triều đại phong kiến Nhà Hồ. Cổng thành này còn được gọi là thành Tây Đô, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Dù không quá nổi tiếng, song thành Nhà Hồ là một trong những công trình kiến trúc bằng chất liệu đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và trên thế giới. Năm 1397, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng công trình này, để bảo vệ cho kinh đô của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.
Được xây dựng bằng đá nên thành Nhà Hồ vô cùng kiên cố, tồn tại vũng vàng sau hơn 600 năm lịch sử. Cổng thành với lối kiến trúc độc đáo với điểm nhấn là 3 ô cửa được thiết kế vòm cuốn, đơn giản mà ấn tượng vô cùng.
Nếu xưa kia, cổng thành mang ý nghĩa bảo vệ cho kinh đô thì ngày nay, thành Nhà Hồ trở thành cổng thành sống ảo được nhiều du khách yêu thích. Đặc biệt, đây là một trong số ít những cổng thành bằng đá còn sót lại trên thế giới, khẳng định sự chắc chắn và vững chải của thành lũy mà ông cha ta đã xây dựng.
Theo lịch sử ghi chép lại, thành nhà Hồ chỉ xây trong thời gian 3 tháng. Toàn bộ thành lũy và cổng thành được đặt ở địa thế có lợi thế về mặt quân sự với sông nước bao quanh kết hợp cùng núi non hiểm trở.
Ngày nay, hầu như các cung điện, dinh thự bên trong thành đều đã bị phá huỷ. Tuy nhiên cổng thành vẫn còn vẹn nguyên nhờ làm từ đá vô cùng chắc chắn. Đến năm 2011, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định công nhận Di tích Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Ở khía cạnh du lịch, Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến đẹp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là một trong những điểm đến đẹp và mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của người Việt. Có về xứ Thanh du lịch, bạn nhớ ghé thăm cổng thành này và chụp lại vài bức ảnh kỷ niệm.
Cổng chùa Khmer Koh Kas
Không chỉ có cổng của những kinh thành mới là chiếc cổng sống ảo được du khách yêu thích. Đôi khi những chiếc cổng chùa với kiến trúc độc đáo cũng là điểm check in được người trẻ Việt mê mẩn.
Nếu có dịp đi du lịch An Giang, bạn hãy đến thăm ngôi chùa Khmer Koh Kas để check in cùng chiếc cổng chùa vô cùng đặc biệt. Chùa Koh Kas là một ngôi chùa nằm tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến với ngôi chùa này chính là nét kiến trúc độc đáo của cổng chùa. Dù chỉ là một chiếc cổng nhỏ thôi nhưng những đường nét, hoa văn trang trí trên cổng vô cùng tinh xảo, mang đậm vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Khmer.
Phần nóc của cổng chùa được xây dựng với 3 tháp nhỏ, có thêm 4 trụ chống đỡ vững chắc. Mỗi đỉnh tháp đặt thêm tượng đầu thần bốn mặt – một biểu tượng nổi bật trong văn hóa Kmer Nam Bộ. Xung quanh có tượng rắn thần Naga mang ý nghĩa xua đuổi tà ma.
So với nhiều điểm đến khác ở An Giang, chiếc cổng này không quá nổi tiếng. Tuy nhiên đây là lại chiếc cổng sống ảo đẹp mà nhiều bạn trẻ check in khi có dịp du lịch Tri Tôn. Vẻ đẹp mà cổng chùa Khmer Koh Kas mang lại thể hiện trọn vẹn dấu ấn văn hóa Khmer trên đất Nam Bộ.
Điều thú vị của chiếc cổng này đó là vị trí đặt cổng ở ngay giữa đồng. Chung quanh là khung cảnh đồng lúa mênh mông bát ngát. Đi qua cổng chùa, du khách men theo một con đường mòn nữa mới vào được chùa Koh Kas’. Vì thế, thoạt nhìn chiếc cổng này giống như cổng của một ngôi làng nhỏ nào đó.
Theo kinh nghiệm check in cùng những chiếc cổng mà các bạn trẻ chia sẻ lại, buổi sáng sớm hoặc chiều mát là lúc thích hợp nhất để đến đây chụp ảnh. Lúc này trời có đủ ánh sáng, giúp bạn dễ dàng chụp được những bức ảnh ưng ý. Ngoài ra, nếu du lịch An Giang đúng mùa lúa xanh hoặc lúa chín, ảnh check in sẽ càng thêm đẹp và thơ mộng.
Cùng với những chiếc cổng trời nổi đình nổi đám tại các khu du lịch thì những chiếc cổng gắn liền với văn hóa, lịch sử dân tộc cũng là điểm đến ở Việt Nam phù hợp để bạn check in. Trong số đó thì Ngọ Môn Huế, Thành Nhà Hồ và cổng chùa Khmer Koh Kas là gợi ý mà bạn nên cân nhắc.