Ghe Bẹo Miền Tây Có Gì Mà Sao Ai Cũng Bảo "Nhất Định Phải Đi"?
Từ thuở khai thiên lập địa, cuộc sống của người miền Tây đã gắn liền với ghe xuồng vì địa hình sông nước đi lại lắm khó khăn, trở ngại, từ việc sống, sinh hoạt, buôn bán cho tới đi lại cơ bản hằng ngày lúc nào cũng gắn liền với phương tiện này. Để rồi theo năm tháng, nó trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân vùng sông nước, thường xuyên được nhắc tới trên khắp mọi nơi từ báo chí, truyền hình, thơ văn,... Và đó cũng chính là sự hình thành, ra đời của "Ghe bẹo" - một cái tên nghe thật lạ tai để chỉ về những chiếc thuyền chuyên bày bán mọi mặt hàng trên sông mà giờ đây người ta hay gọi là chợ nổi khi có nhiều chiếc ghe bẹo tập hợp lại cùng nhau.
Với khách thập phương, ghe bẹo mang một hình ảnh rất mới lạ, đặc sắc, lại còn mang cảm giác cực thú vị khi đích thân trải nghiệm. Nên cứ đến miền Tây, bất kể làm gì thì người ta cũng muốn dành thời gian đi chợ nổi để ghé từng chiếc ghe bẹo thăm thú, mua hàng.
Hình ảnh chợ nổi Cái Răng từ trên cao mới chợ thấy những con thuyền xếp hàng nối đuôi nhau thẳng tắp, kéo dài trên con sông bạt ngàn.
Những ngày cận Tết thì chợ nổi lúc nào cũng nhộn nhịp hàng hóa, đầy đủ các loại trái cây, hoa màu.
Tại miền Tây có tổng cộng 6 khu chợ nổi nổi tiếng là Cái Răng - Cần Thơ, Phong Điền - Cần Thơ, Cái Bè - Tiền Giang, Phụng Hiệp - Hậu Giang, Long Xuyên - An Giang, Châu Đốc - An Giang, Trà Ôn - Vĩnh Long, Ngã 5 Sóc Trăng, Vịnh Thuận - Kiên Giang, Gành Hào - Cà Mau,... và còn rất nhiều khu chợ nổi lớn nhỏ khác. Nhưng Cái Răng - Cần Thơ là nơi tập trung nhiều khách du lịch và cũng được xem là nhộn nhịp hơn cả.
Bất kể ngày nào, cứ khoảng tờ mờ sáng là có hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ tập trung lại từng khu. Nào là ghe bán dưa hấu, thanh long, cam sành,... cho tới hàng bông, hàng cá, bánh trái đều có đủ. Trên mỗi thuyền đều có một "cây bẹo", thân là cây tre, phía trên buộc quả thơm, củ sắn,... tất tần tật những thứ chủ thuyền buôn bán để "show hàng" cho bà con, khách khứa ở xa nhìn thấy.
Thế nhưng trong ký ức tuổi thơ của mình, thứ đầu tiên tôi ấn tượng mỗi khi nhắc về ghe bẹo đó chính là tiếng gọi, tiếng rao hay đôi lúc là vài câu hò ngẫu hứng của các chị, các cô...
- "Bắp cải, đậu que, chôm chôm hôn..."
- "Mua dép, mua rổ hay nồi gì hôn chị Ba!?"
... mỗi khi họ muốn "gọi khách" đang ở tuốt trong nhà có thể nghe thấy.
Giờ đây cứ có dịp về miền Tây, gặp ghe bẹo hay ra khu chợ nổi thì nhất định tôi phải ghé mua vài chục kg trái cây về ăn rồi làm quà. Hay mua ít rau cải mang về thành phố dùng dần cũng rất ngon mà lại rẻ.
Có Những Thứ "Ghe Bẹo Bán Mà Không Treo" Nhưng Thử Rồi Sẽ Mãi Nhớ!
Không phải "hàng hiếm" hay cái gì quý chi cả mà họ không treo. Chẳng qua thứ họ bán là mấy món ăn "đặc sản" của vùng sông nước như hủ tiếu, bún mắm, bún riêu, bánh tiêu, bánh bò... chẳng thể treo lên được mà thôi.
Nhiều năm trước, vị đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay đã từng đến chợ nổi Cái Răng này để thưởng thức những món ẩm thực bày bán trên thuyền và phải thốt lên rằng: "Tạ ơn Chúa là tôi không sinh ra ở Việt Nam, ở đây thì tôi chỉ là một đầu bếp tồi". Nguồn ảnh: Cường du lịch
Tuy nhiên nếu đi chợ nổi mà không thử ăn sáng trên ghe, trên xuồng, không húp thử tô hủ tiếu, bún mắm thơm lừng, ngọt xương thì ta nói là một thiếu sót vô cùng lớn.
Tùy vào từng hàng có nơi họ neo thuyền, bán cố định tại một chỗ nhưng đa phần là các cô thường sẽ "phi" xuồng chạy hết chỗ này tới chỗ khác. Cứ mà thấy xuồng nào có nồi nước lèo tỏa khói nghi ngút thì cứ mạnh miệng mà gọi "Cô ơi tấp vô múc con một tô" mà làm tới.
Lời Đồn " Chợ Nổi Miền Tây Bây Giờ Hết Vui, Hết Tấp Nập Rồi" Liệu Có Đúng?
Chợ nổi ở khu vực miền Tây nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng nếu so với cách đây tầm 10 năm thì hiện nay có phần vắng hơn hẳn. Phần vì việc buôn bán, giao dịch bằng đường bộ bây giờ thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều so với đường thủy. Phần vì cái không khí có nhộn nhịp hay không cũng phụ thuộc vào số lượng khách du lịch tìm tới.
Đến chợ nổi mà muốn vui hay buồn, phụ thuộc phần lớn vào chúng ta đó các bạn ạ.
Hiện tại đa phần các ghe thuyền hoạt động quanh chợ nổi đều là những thương lái buôn sỉ và có bán lẻ kèm theo cho khách du lịch. Nên nếu so với "ngày xưa" thì quả thật chẳng còn tấp nập, thuyền này chen thuyền kia mà cho "xôm".
Tuy nhiên khi hỏi người dân địa phương tại đây thì cô Oanh - người buôn bán trên chợ nổi Cái Răng vài chục năm nay chia sẻ: "Nhiều người tới cũng hay hỏi vậy nhưng cô thấy cũng tấp nập, cũng nhiều người buôn bán đấy thây. Nhưng tụi bây phải đi giấc sớm, tầm 4h là bà con kéo nhau ra nhiều lắm rồi, chứ còn sau 7 - 8h là xong xuôi cả rồi".
Nguồn: Afamily.vn
CHƯƠNG TRÌNH TOUR MIỀN TÂY