Ngôi chùa đặc biệt ở Nhật Bản, từ trụ trì cho đến sư sãi đều là mèo

 

Nyan-nyan ji (猫猫寺) hay Chùa Mèo tọa lạc tại khu Sakyo, thành phố Kyoto, Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, “nyan-nyan” là từ dùng để chỉ âm thanh của tiếng mèo kêu nên bạn cũng có thể gọi ngôi chùa này là Chùa Meo Meo.

Các ngôi chùa ở Nhật thường được chia ra làm nhiều môn phái, Chùa Mèo thuộc phái Maneki Neko, do họa sĩ Toru Kaya vốn là một người vô cùng yêu thích mèo tạo ra.

Tất cả đồ đạc và các bức tượng trong chùa đều là hình mèo hoặc lấy cảm hứng từ mèo. Ban thờ thần Mèo cũng được đặt đầy đủ đèn nến, hương, hoa, đồ cúng tế như bất kỳ những ban thờ thần nào khác tại Nhật Bản.

Ngôi chùa được mở cửa lần đầu tiên vào năm 2016, đến nay đã trải qua 3 đời trụ trì. Chú mèo nổi tiếng nhất và cũng là trụ trì hiện tại của chùa là chú mèo trắng Koyuki. Chú có khuôn mặt khá “khó ở” và đã từng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản.

Nổi tiếng là vậy nên các du khách khi đến Chùa Mèo đều mong muốn được gặp vị sư trụ trì của chùa. Tuy nhiên không phải ngày nào cũng có thể gặp trụ trì Koyuki. Thời gian “đi làm” của trụ trì sẽ được thông báo trước trên trang chủ của Chùa Mèo.

Ngoài Koyuki, Chùa Mèo còn có 7 vị hòa thượng khác gồm Koyuki, Waka, Chin, Aruji, Ren, Konatsu và Chicchi. Chú mèo nào ở đây cũng được mặc áo cà sa, đeo một chuỗi tràng hạt và đều rất thích được các “tín đồ” tới cưng nựng.

Khi đến với nơi đây, ngoài việc được cúng bái thần mèo và cưng nựng các chú mèo hòa thượng, du khách cũng có thể mua những món đồ lưu niệm dễ thương lấy cảm hứng từ mèo và thưởng thức các buổi triển lãm nghệ thuật từ các nghệ sĩ yêu thích mèo.

Không chỉ thế, nếu đói bụng, du khách có thể ghé thăm quán cafe bên trong chùa. Chùa Mèo sẽ phục vụ cho các bạn những món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn rất ngon miệng. Và tất nhiên chúng cũng mang đậm dấu ấn của mèo.

Nếu là một tín đồ của “giáo phái Mèo”, chắc chắn các bạn không thể bỏ lỡ Chùa Mèo khi đến thăm Kyoto. Chùa mở cửa tất cả các ngày trong tuần trừ thứ ba. Trước khi đến, hãy kiểm tra trên trang chủ của chùa để biết chắc chắn thời gian “đi làm” của các sư sãi trong chùa nhé.